Mẹo nhỏ chọn mua một chiếc máy quay phim kỹ thuật số
Tại sao lại chọn máy quay sử dụng thẻ nhớ?
Máy quay sử dụng băng từ có lịch sử lâu đời, và đa phần cho chất lượng hình ảnh rất tốt. Tuy nhiên, việc chế tạo hệ thống cơ khí phức tạp khiến giá thành máy cao và kích thước cồng kềnh luôn là rào cản để sở hữu chúng, mặt khác không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để ngồi chờ máy capture băng từ vào máy tính. Do đó, với tiêu chí “bình dân” thì máy quay sử dụng băng từ bị loại ngay từ vòng... gởi xe.
Thấy rõ nhược điểm của máy quay sử dụng băng từ nên các nhà sản xuất đã tung ra máy quay phim sử dụng đĩa DVD với khả năng xem ngay trên đầu phát DVD mà không cần phải xử lý hậu kỳ, tuy nhiên loại này cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như: Vẫn sử dụng hệ thống cơ khí phức tạp để quay đĩa, đĩa DVD kém bền và dung lượng thấp, và khi muốn biên tập lại video từ máy quay này thì còn gian nan hơn do định dạng VOB của đĩa DVD có vẻ không thân thiện lắm với các chương trình biên tập video, giá thành máy vẫn còn đắt nên máy quay sử dụng đĩa DVD đương nhiên bị loại ngay vòng... bảo vệ.
Hiện đại hơn cả hai loại trên là máy quay sử dụng ổ cứng trong máy, với loại này kích thước máy quay đã được thu nhỏ đáng kể, dung lượng lưu trữ cũng tăng và có thể cắm vào máy tính và chép file bằng cổng USB như một ổ cứng di động, việc biên tập cũng dễ dàng hơn do sử dụng định dạng file “thân thiện” hơn với các chương trình biên tập video; tuy nhiên, ổ đĩa cứng cũng là một thiết bị cơ khí mong manh và khó thay thế khi hư hỏng. Mặc dù được thiết kế để chống shock nhưng những rung động hay va chạm trong quá trình sử dụng máy cũng ít nhiều làm giảm tuổi thọ ổ cứng, và với mức giá cũng còn khá cao nên máy quay sử dụng ổ cứng cũng chính thức bị loại khi đặt chân vào vòng… tiếp tân.
Máy quay sử dụng thẻ nhớ là một bước tiến lớn, nếu không tính đến ống kính thì máy quay sử dụng thẻ nhớ gần như không có một bộ phận cơ khí chuyển động nào, và với giá thành thẻ nhớ ngày một rẻ thì máy quay sử dụng thẻ nhớ có thể được coi là thiết bị mang tính kinh tế nhất.
Tiêu chí chọn mua máy quay sử dụng thẻ nhớ
Chọn nhãn hiệu nổi tiếng: Vì máy quay là sản phẩm công nghệ tối tân và phức tạp, nên những nhãn hiệu lạ hoặc không thông dụng thì không nên mua. Hãy tra thật kỹ website của nhà sản xuất về model định mua vì hiện nay đã có các máy quay không rõ nguồn gốc được làm nhái theo các thương hiệu nổi tiếng. Do máy quay thẻ nhớ không có cơ phận chuyển động nên việc làm nhái trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên nếu chú ý kỹ thì sự khác biệt lớn nhất nằm ở ống kính. Khi bấm nút zoom, máy quay xịn sẽ thấy các cụm lens bên trong ống kính chuyển động, còn máy quay nhái thì không có gì chuyển động cả vì thực chất chúng chỉ sử dụng digital zoom.
Ống kính càng to càng tốt: Không hẳn đúng 100% nhưng ống kính có đường kính to hơn sẽ nhận được nhiều ánh sáng hơn; vả lại nhà sản xuất luôn ưu ái dành những ống kính to hơn cho những máy tốt hơn nên đây cũng là một mẹo để có thể lựa chọn được máy tốt.
Khả năng chống rung: Đừng vội tin vào các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đưa ra. Có một mẹo nhỏ để kiểm tra khả năng chống rung của máy như sau: Zoom xa hết khả năng của máy, cầm máy trên tay và cố hết sức giữ khung hình tập trung vào một đối tượng nào đó, máy nào có khả năng chống rung tốt hơn sẽ cho khung hình “êm” hơn.
Khả năng thu âm: Chắc hẳn bạn không muốn thấy hậu quả khi bạn quay một cảnh gia đình ngoài biển mà về nhà chỉ toàn nghe tiếng gió mà không nghe được người thân nói gì, hãy thử khả năng lọc gió của máy bằng cách đặt máy vào trong luồng gió của máy quạt và quay thử một đoạn để kiểm tra khả năng lọc gió của máy quay.
Khả năng quay đêm: Một số máy quay có thiết kế thêm một đèn nhỏ phía trước giúp cho việc quay trong điều kiện ánh sáng yếu được tốt hơn, đây là một tiện ích không nên bỏ qua.
Thẻ nhớ và cổng kết nối: Nên mua máy quay sử dụng thẻ nhớ SD vì định dạng này thông dụng và rẻ tiền hơn các định dạng khác như MS hay CF, các cổng kết nối phải có nắp đậy để tránh các yếu tố môi trường như cát, nước lọt vào làm hỏng cổng kết nối. Nên chọn máy có cổng mini USB thông dụng để có thể dễ dàng sử dụng chung cáp với các thiết bị khác trong trường hợp bạn bỏ quên hoặc làm mất sợi cáp đi kèm theo máy.
Đừng quan tâm Digital Zoom: Mặc dù thời gian gần đây thông số kỹ thuật này có vẻ được thổi phồng quá mức, thậm chí ghi lên thân máy như một thông số về độ“khủng” của máy. Digital zoom là một công nghệ“có cũng được mà không có cũng chẳng sao”. Digital zoom đơn giản chỉ là kỹ thuật nội suy nên thường cho những đoạn video chất lượng rất kém, vả lại các máy quay hiện nay đều có optical zoom trên 20x, quá đủ để sử dụng trong các trường hợp thông thường trừ phi bạn muốn“bắt dính”một con ruồi đậu cách bạn nửa cây số! Tương tự như vậy các thông số“Megapixel”cũng chỉ là tiêu chí để bán hàng thôi chứ gần như không ảnh hưởng gì lắm đến chất lượng hình ảnh.
Thử các thao tác quay: Hãy đeo máy vào tay và thử thao tác zoom/ record xem cách bố trí nút bấm có thuận tiện với bàn tay của bạn không.
Pin và đồ sạc pin: Nên mua thêm một cục pin dự phòng, nếu bạn cảm thấy pin chính hãng quá đắt thì có giải pháp kinh tế hơn là chọn pin của các hãng thứ ba như Pisen thường có giá chỉ bằng nửa pin chính hãng.
Nên mua thêm chân máy quay, đôi lúc bạn có thể gắn máy trên chân và tự quay hình ảnh mình với gia đình, các máy quay đa phần đều có remote kèm theo và đó cũng chính là lúc chiếc remote phát huy tác dụng.
Một số lưu ý khi sử dụng và bảo quản máy quay số:
Không để máy trong cốp xe, nhiệt độ cao của cốp xe là kẻ thù không đội trời chung của các thiết bị điện tử.
- Không để máy chung với quần áo: Một thói quen sai lầm khi đi du lịch là nhét máy quay số vào giữa ba lô quần áo vì nghĩ rằng quần áo mềm và êm, nhưng hơi ẩm có trong quần áo sẽ làm mốc ống kính và rỉ sét các tiếp điểm. Hãy cho máy vào túi nilon trước khi để chung với quần áo.
- Nên tháo pin ra khỏi máy và sạc đầy pin khi không sử dụng máy một thời gian dài. Vì cho dù bạn đã tắt máy, vẫn còn một vài bộ phận trong máy tiếp tục sử dụng pin và lâu dần sẽ khiến pin bị cạn kiệt và không thể sạc lại.
Lựa chọn Máy quay phim kỹ thuật số
Quay phim nghiệp dư lại là một cái thú dễ gây nghiện! Kỷ niệm một chuyến du lịch với người thân, ghi lại những hình ảnh dễ thương hay tự làm phim tư liệu cho cơ quan... sẽ làm bạn mê mẩn bởi sức hấp dẫn của máy quay phim kỹ thuật số này.
Vòng quanh thị trường...
Vài năm trở lại đây, dòng máy quay phim kỹ thuật số (gọi tắt là digicam) đã nhanh chóng đẩy lùi thế hệ analog trong cả hai lĩnh vực: chuyên nghiệp và tài tử.
Loại máy quay chuyên nghiệp (procam), tuy đã ứng dụng công nghệ digital nhưng kích thước của chúng vẫn còn khá lớn, hầu hết phải vác trên vai. So với loại máy quay digital nghiệp dư cầm tay (handycam), điểm khác biệt của procam là được trang bị tới 3 "con chip" CCD thay vì chỉ có một. Công nghệ 3CCD này giúp tách và xử lý riêng ba "gam" màu cơ bản là đỏ, lục và xanh da trời, cho phép hình ảnh đạt chất lượng tuyệt hảo nếu so với dòng máy analog dùng băng VHS. Bên cạnh đó, hệ thống ghi âm kỹ thuật số với micro stereo rời cũng đem lại kết quả vượt trội, chưa kể các hiệu ứng MP3 được cài đặt sẵn giúp phát huy sáng tạo.
Procam cũng có một ưu thế khác mà handycam không thể so sánh, đó là những chương trình kỹ xảo và hiệu ứng kỹ thuật số tiên tiến: chèn hình, chèn âm thanh, chuyển cảnh, viết tựa đề tùy ý… Ngoài ra, procam có nhiều loại cổng kết nối như i-Link hay IEEE 1394 cũng có sẵn để tiện phối hợp với các loại máy chuyên làm hậu kỳ khác. Giá những procam "xịn" như Canon XL-1, Sony DCR-VX2000... xê xích từ 2.000 - 4.500 “đô"/cái!
Chọn máy quay kỹ thuật số nào?
Máy handycam phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là Sony, sau đó mới đến Panasonic và JVC; một vài nhãn hiệu khác như Hitachi, Samsung hay Canon cũng có nhưng ít gặp hơn.
Ðể cạnh tranh với Sony, chi nhánh tại Việt Nam của JVC và Panasonic tung ra "hàng chính hãng" với nhiều chiêu khuyến mãi như cấp thẻ câu lạc bộ, giảm giá, mở đại lý... So với Sony thì hai nhãn hiệu này cũng "một chín, một mười", nhưng có điều là handycam của Panasonic hầu hết không có chức năng quay trong đêm tối (như của Sony hay JVC), còn JVC thì giá lại khá cao.
Tiêu chuẩn chọn mua máy
Với một người quay phim nghiệp dư, một handycam tốt phải đạt các chuẩn sau:
- Ðộ phân giải của "con chip" CCD phải đạt tối thiểu là 800.000 pixels.
- Có chức năng chụp ảnh tĩnh với dung lượng ảnh càng "nặng" càng tốt (những máy tốt đều ghi "Mega pixels" trên vỏ máy).
- Màn hình LCD phải điều chỉnh được màu sắc, độ nét, góc xoay... (Intelligent LCD Monitor) và phải từ 2.5 inch trở lên.
- Nhiều loại cổng kết nối (ngõ- In/Out ports): USB, LANC, S-video, headphones, micro-phone, A/V và firewire/I-link/IEEE 1394. Một số đời máy có thêm chức năng làm webcam và truyền một đoạn phim qua internet (email video clip).
- Ðèn chiếu sáng gắn trên máy, hỗ trợ thêm đế (Hot-shoe) để gắn đèn hoặc micro rời...
- Dễ mua thêm phụ kiện như đèn rọi, ống kính, pin...
Ngoài ra, cũng như máy ảnh kỹ thuật số, zoom quang học (Optical zoom) mới là giá trị thực, trong khi zoom kỹ thuật số (Digital zoom) chỉ tạo ra những ảnh “ảo" nên không cần quá lớn. Ðộ mở tối đa của ống kính ít nhất phải đạt mức 2.8.
Máy, băng và chất lượng hình, tiếng
Tùy theo cỡ máy và loại băng mà nhà sản xuất chỉ định sử dụng, mỗi nhãn hiệu lại có nhiều dòng máy với hàng chục mô-đen khác nhau.
Theo nhận xét của giới am hiểu, chất lượng hình và tiếng ghi được sẽ giảm dần theo thứ tự sau: tốt nhất là các loại máy handycam sử dụng loại băng miniDV (digital video); kế đó là máy handycam dùng băng Digital 8, băng Hi8 (hi-fi 8mm) và cuối cùng là V8. Trừ miniDV có kích thước chỉ nhỉnh hơn hộp diêm ra, ba loại băng "tám" nêu trên có thể dùng lẫn cho máy của nhau. Tuy nhiên, bạn chớ uổng tiền nếu cố gắng cải thiện chất lượng hình và tiếng bằng cách... ăn gian: mua băng “xịn” Digital 8 bỏ vào máy V8!
Cũng có ý kiến cho rằng khó mà phân biệt được sự chênh lệch này. Chưa chắc là máy handycam dùng băng miniDV lại đắt hơn máy dùng băng Hi8 nếu chức năng của chúng tương đương nhau! Có thể nói rằng việc chọn mua máy miniDV, Digital 8, Hi8 hay V8 còn tùy vào sở thích của khách hàng về kiểu dáng, chức năng, giá cả… Nhưng riêng với loại băng V8- vốn dùng được cho cả máy digital và analog, thì có hai điều bảo đảm đúng: thứ nhất, máy digital quay đẹp hơn hẳn máy analog; và thứ hai, băng V8 vẫn cho hình và tiếng tốt hơn băng VHS (C) khi sử dụng chung một máy họ analog.
Vài kiểu máy thông dụng
Trước khi mua, bạn nên đi một vòng để ghi lại số series của những kiểu máy mà bạn "kết". Sau đó, về tham khảo kỹ tính năng của chúng trên trang web của các hãng chế tạo hoặc tham khảo trên catalog.
Cách chọn máy quay phim kỹ thuật số
Ống kính là yếu tố được xem xét đầu tiên Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại máy quay phim kỹ thuật số (KTS). Tuy nhiên bạn cần chú ý một số chi tiết kỹ thuật để có thể chọn cho mình một chiếc vừa đạt mục đích sử dụng và vừa với túi tiền của bạn. Ống kính Hệ thống ống kính là bộ phận đầu tiên của máy quay tiếp nhận ánh sáng và hình ảnh. Chất lượng ống kính được quyết định bởi công nghệ và truyền thống của các nhà sản xuất ống kính trên thế giới, đây là yếu tố quan trọng cho chất lượng thu hình. Ngoài sự phụ thuộc vào công nghệ sản xuất các thấu kính, ống kính máy quay còn phải đáp ứng một số nhu cầu sau: - Khả năng đóng mở và độ bền cơ học của màn chập, khẩu độ, tiêu cự và khả năng tăng sáng điện tử (Gain) để có thể thu hình ở ngay cả trong môi trường ánh sáng yếu. - Khả năng của độ mở góc rộng và độ phóng đại của ống kính có đáp ứng nhu cầu khi thu hình trong công việc của bạn. - Ngoài các yếu tố trên còn một vấn đề nữa không kém phần quan trọng đó là công nghệ chế tạo hệ thống thấu kính chống rung (OIS) của nhà sản xuất, giúp cho người sử dụng máy quay KTS thu được những hình ảnh độ nét cao. Chip xử lý hình ảnh
Nếu có điều kiện bạn nên mua loại máy có 3 chíp xử lý hình ảnh Kích thước của chíp xử lý ánh sáng được nhận biết qua các chỉ số: 1-inch, 3/4-inch, 2/3-inch 1/2-inch, 1/3-inch, 1/4-inch và 1/6 inch (1-inch tương đương 25mm). Khi kích thước của chíp càng lớn khả năng xử lý ánh sáng càng chính xác. Các máy quay KTS chuyên dùng cho các phim trường và đài truyền hình sử dụng chíp từ 2/3-inch đến 1-inch như DVCam của Sony hay DVCPro của Panasonic. Loại chíp có kích thước 1/3 và 1/4-inch được trang bị cho các máy quay như: AG-DVC30, AG-DVC60 và AG-DVX100 của Panasonic hay DCR-VX2100, DSR-PD170 của Sony với giá thành từ 2.000 USD đến 4.000USD. Còn những CCD nhỏ hơn được trang bị cho các dòng máy quay KTS gia đình. Thông số thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó là xử lý ánh sáng bằng 1 chíp(1CCD) hay 3 chíp (3CCD). Máy quay phim KTS phân tích ánh sáng thông qua ba màu cơ bản là: màu đỏ, màu xanh lá cây và xanh da trời. Máy quay phim 1CCD phân tích ánh sáng 3 màu sắc trên chỉ bằng 1 chíp do đó chất lượng màu sắc hình ảnh chưa cao. Còn dòng sản phẩm máy quay 3CCD phân tích ánh sáng bằng 3, với mỗi chíp xử lý riêng biệt một màu khác nhau. Nên các dòng sản phẩm máy quay phim 3CCD cho chất lượng hình ảnh rõ, đẹp hơn nhiều so với dòng máy quay 1CCD. Một số máy quay KTS được trang bị 3CCD (1/3-inch) thế hệ mới loại progesssive 470.000 điểm ảnh, giống như các CCD trong các máy quay chuyên dùng trong ngành truyền hình. Nên rất nhạy sáng có thể thu hình ngay cả khi ánh sáng yếu dưới 3 Lux. Riêng các máy quay KTS của hãng Panasonic còn được trang bị bộ xử lý RGB Gamma. Kỹ thuật này giúp chúng ta dễ dàng thu hình khi quay ngược sáng và hình ảnh thu được có tone màu giống phim nhựa hơn các máy quay cùng loại. Bộ chuyển đổi A/D (chuyển tín hiệu từ Analog sang kỹ thuật số) Sau khi ánh sáng được phân tích qua các chíp xử lý ánh sáng sẽ được chíp A/D xử lý, chuyển đổi từ tín hiệu tương tự sang tín hiệu số. Chỉ số bit của chíp A/D lớn cho chất lượng của hình ảnh được ghi hình trên băng DV càng cao. Đây là một yếu tố quan trọng và cần thiết khi chọn mua máy quay KTS. Các yếu tố khác - Cân bằng trắng, cân bằng đen, nhanh và chính xác. Điều này giúp máy quay ghi lại hình ảnh có màu sắc đẹp và trung thực hơn. - Xử lý ánh sáng, màu sắc, độ nét nhanh giúp cho thao tác dễ dàng khi quay. - Các nút điều khiển, cân bằng trắng, khẩu độ, tốc độ, tiêu cự… được thiết kế như thế nào để người cầm máy tiện dụng khi thao tác. - Chất lượng, độ bền của các hệ thống cơ, đầu từ của máy cũng như thời gian hoạt động của pin sẽ là một yếu tố khá quan trọng khi chọn mua máy. - Không nên chọn các loại máy có cùng lúc 2 chức năng, vừa quay phim vừa chụp ảnh. Vì khi làm song song hai nhiệm vụ, thì mục đích chính là ghi hình sẽ bị giảm chất lượng. - Nên chọn mua các sản phẩm được cung cấp bởi những công ty là nhà phân phối chính thức.
Nguồn: http://muasamnhanh.com/meo-nho-chon-mua-mot-chiec-may-quay-phim-ky-thuat-so-2.html
Đăng bởi Minh Thiện Tags: camera, canon, DPI, kỹ thuật số, máy ảnh, máy quay phim, Máy quay sử dụng thẻ nhớ, Máy quay sử dụng đĩa DVD, pixel, screen, screenshot, toshiba, điện thoại